Người Khiếm Thị

Người Khiếm Thị

Nhóm sinh viên sư phạm tại Đà Nẵng cùng chiếc máy in chữ nổi dành cho người khiếm thị do các bạn chế tạo - Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Chuyển giao công nghệ vì mục đích nhân đạo

Hướng dẫn nhóm sinh viên làm sản phẩm này, giảng viên Lê Thanh Huy cho biết về công nghệ có thể nói các bạn đã hoàn thiện rồi nên mong có đơn vị, tổ chức nào đó đứng ra đầu tư. Theo thầy Huy, nếu được sản xuất, chiếc máy in này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn học sinh khiếm thị.

"Chúng tôi mong có đơn vị chuyên gia công cơ khí hợp tác để cùng nhau phát triển chiếc máy in này. Các bạn sinh viên cũng thống nhất rằng nếu có đơn vị nào đó đầu tư sản xuất, nhóm sẽ chuyển giao công nghệ với mục đích nhân đạo chứ không theo hướng kinh doanh", thầy Huy nói.

Bà Phạm Thị Hạnh - phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng - rất hoan nghênh ý tưởng của các bạn sinh viên. Bà Hạnh nói trong suốt quá trình sáng chế, nhóm đã lui tới trung tâm tìm hiểu nhu cầu thực tế, thử nghiệm rồi xin nhận xét đánh giá để dần hoàn thiện nhiều lần.

Nếu so với máy chuyên nghiệp chắc chắn sẽ cần cải thiện nhiều về kỹ thuật. Chẳng hạn như máy cần phải tự xuống dòng nguyên chữ, chữ in phải nổi bật hơn để người khiếm thị dễ cảm nhận bằng tay hơn, rồi tốc độ in phải nhanh hơn... Tuy nhiên, với góc độ xã hội, bà Hạnh nói rất trân trọng với ý tưởng, sản phẩm nhân văn này của các bạn sinh viên.

"Càng tuyệt vời khi các bạn là sinh viên sư phạm đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu tạo ra chiếc máy vốn cần yêu cầu khá nhiều về kỹ thuật. Hoàn thiện một chút, máy in chữ nổi sẽ rất phù hợp nếu có tại mỗi lớp để giáo viên in bài học cho học sinh", bà Hạnh nói.

Sản phẩm mang nhiều ý nghĩa nhân văn này với tên gọi Đề tài nghiên cứu máy in chữ nổi của nhóm năm sinh viên đã được trao giải ba tại Hội nghị nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2023-2024.

Còn tại giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" cấp ĐH Đà Nẵng năm học 2023-2024, đề tài này cũng đoạt giải ba lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ tự nhiên, khoa học y dược.

Thiết kế nhỏ gọn, tính di động cao

Chiếc máy in này có thể linh động sử dụng được ở nhiều địa điểm, tiện dụng trang bị tại các lớp học hay gia đình có con khiếm thị cũng có thể sắm một chiếc phục vụ in ấn tài liệu cho con học hành. Sinh viên Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sao cho máy có công suất tương đương máy trên thị trường song vẫn ưu tiên thiết kế nhỏ gọn, tính di động cao.

"Giá thành nguyên vật liệu chế tạo máy vào khoảng 2-3 triệu đồng nên nếu được thương mại hóa sẽ có thể bán mức giá ngang tầm máy in bình thường, thấp hơn nhiều so với máy in chữ nổi nhập khẩu", Thùy Trang tính toán.

Mong muốn lớn nhất của nhóm là có thể đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất tại Việt Nam để không quá phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. "Tụi mình mong ngày càng có nhiều người nghiên cứu hướng tới nhóm học sinh khiếm thị để những bạn trẻ này cũng được thụ hưởng nền giáo dục công bằng và có cơ hội phát triển như bạn bè đồng trang lứa", Thanh Trúc bày tỏ.

Hiểu sự thiệt thòi của người khiếm thị

Thầy Lê Thanh Huy từng dẫn nhóm sinh viên đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng tìm hiểu về điều kiện học tập của học sinh khuyết tật nơi đây. Qua trò chuyện với người đại diện của trung tâm, các bạn nhận thông tin tại đó đang rất cần chiếc máy in chữ nổi bởi cái hiện tại đã dùng lâu năm hay trục trặc mà sửa chữa cũng khá gian truân.

Đó là chiếc máy từng được mua với giá vài trăm triệu đồng từ khoảng chục năm trước. Máy có kích thước tương đối lớn, được đặt ở một phòng riêng và mỗi khi giáo viên cần in gì đều phải đến phòng này. Trở về sau chuyến đi ấy, nhóm chợt nảy ra ý tưởng liệu có thể chế tạo chiếc máy in chữ nổi "made in Vietnam" được không để giảm bớt phiền hà cho thầy trò tại trung tâm.

Mất nhiều tháng trời tìm hiểu, nghiên cứu thiết kế, làm ngôn ngữ lập trình, chế tạo cơ khí, cuối cùng chiếc máy in đầu tiên của nhóm ra đời vào tháng 3-2024. Ngô Thanh Trúc khoe chiếc máy in khá nhỏ gọn với các bộ phận đơn giản như đầu cắm điện, con lăn giấy, kim...

Dữ liệu từ máy tính được kết nối với máy in. Lúc này, bộ xử lý trong máy in sẽ chuyển đổi chữ điện tử từ dữ liệu văn bản đã nhận rồi chuyển đổi thành chữ nổi Braille. Khi muốn in, người dùng cắm điện, đưa giấy vào thanh lăn, mũi kim sẽ đóng xuống giấy tạo ra các chấm nổi để tạo ra các ô chữ Braille.

Nguyên lý hoạt động là vậy song kết quả thử nghiệm những lần đầu sau nhiều tháng cả nhóm mày mò lại không được như tính toán. Vậy là lại cùng nhau làm tiếp để rồi ai cũng vỡ òa hạnh phúc khi những trang giấy với từng con chữ nổi đầu tiên xuất hiện khi máy hoạt động.