Bộ luật lao động năm 2019 có nhiều thay đổi so với bộ luật lao động năm 2012 và các bộ luật thời trước. Một trong những thay đổi đó là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Trong bài viết này, Luật Hoàng Anh xin trình bày nội dung mới của Bộ luật lao động năm 2019 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh.
- Đối tượng điều chỉnh của pháp luật
Đối tượng điều chỉnh của pháp luật là quan hệ xã hội mà quy phạm pháp luật, sự điều chỉnh của pháp luật tác động tới.
Theo nghĩa rộng, đối tượng điều chỉnh của pháp luật là toàn bộ các quan hệ xã hội, được pháp luật điều chỉnh. Trong đời sống của một xã hội, giữa người và người tồn tại các quan hệ rất đa dạng, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài pháp luật, các quan hệ xã hội còn được điều chỉnh bởi các quy tắc đạo đức, tôn giáo, chính trị, phong tục, tập quán…
Trong xã hội, tồn tại những quan hệ xã hội, mà xét từ lợi ích của giai cấp cầm quyền, từ lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng… thì cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật, sự quản lí của Nhà nước. Đó là những quan hệ xã hội có tính cơ bản, quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… và đều trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật. Có những quan hệ xã hội đã được các quy tắc đạo đức, xã hội, tập quán, phong tục… điều chỉnh, nhưng do ý nghĩa xã hội, tầm quan trọng của chúng vẫn được pháp luật điều chỉnh, như các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, lao động…
Theo nghĩa hẹp, đối tượng điều chỉnh của pháp luật là các quan hệ xã hội thuộc một lĩnh vực, có cùng tính chất, gần gũi nhau. Các quan hệ xã hội này trở thành đối tượng điều chỉnh của một ngành luật, một hay nhiều văn bản luật như Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự…
Xem thêm: Ngành luật lao động trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Mối quan hệ giữa luật lao động và một số ngành luật khác
Quan hệ lao động nói riêng và mỗi quan hệ xã hội nói chung luôn có sự gắn bó mật thiết với các quan hệ xã hội khác. Chúng liên quan đến nhau trong quá trình tồn tại, vận động và phát triển như những bộ phận cấu thành không thể tách rời trong đời sống xã hội. Vì vậy, các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội đó cũng thường có mối quan hệ pháp lí với nhau. Trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực lao động, luật lao động có mối quan hệ với nhiều ngành luật khác như luật nhà nước, luật dân sự, luật hành chính, luật tố tụng dân sự, luật an sinh xã hội, luật thương mại nhằm hỗ trợ, bổ sung cho nhau tạo nên một hệ thống pháp luật chặt chẽ.
Theo điều 1 Bộ luật lao động năm 2019:
Bộ luật Lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.”
Phạm vi điều chỉnh là phạm vi tác động của pháp luật đến các quan hệ xã hội nhất định. Đối với một Bộ luật lao động, phạm vi điều chỉnh bao gồm các vấn đề cơ bản liên quan đến quan hệ lao động. Cùng sự phát triển của quan hệ lao động cũng như sự phát triển chung của các quan hệ xã hội, xuất hiện những chủ thể mới tham gia vào quan hệ lao động, pháp luật về lao động cũng phải thay đổi phạm vi điều chỉnh. Cụ thể là, so với phạm vi điều chỉnh tại điều 1 của Bộ luật lao động năm 2012, Bộ luật lao động năm 2019 đã có sự thay đổi về “tổ chức đại diện tập thể lao động” thành “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”.
Theo khoản 3 điều 3 Bộ luật lao động năm 2019:
“Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.”
Trong khi đó, Bộ luật lao động năm 2012 không có định nghĩa “tổ chức đại diện tập thể lao động” mà chỉ có định nghĩa “tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở” tại khoản 4 điều 3 như sau: “Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở”.
Như vậy, (i) Bộ luật lao động năm 2012 đã có sự chênh lệch trong phạm vi điều chỉnh và định nghĩa, điều này đã được sửa đổi trong Bộ luật lao động năm 2019; (ii) có sự thay đổi về chủ thể tham gia quan hệ lao động cùng sự mở rộng các quan hệ lao động liên quan đến chủ thể đó, “tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở” của Bộ luật lao động năm 2019 không chỉ bao gồm mỗi Ban chấp hành của công đoàn hay công đoàn mà còn cả các tổ chức khác của người lao động tại doanh nghiệp.
Do có có sự xuất hiện của chủ thể mới trong quan hệ lao động, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật lao động năm 2019 cũng có sự mở rộng hơn so với Bộ luật lao động năm 2012.
Theo điều 2 Bộ luật lao động năm 2019:
1. Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động.
3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.”
Đối tượng điều chỉnh cơ bản của Bộ luật lao động năm 2019 cũng tương đối giống với đối tượng điều chỉnh của Bộ luật lao động năm 2012: Người lao động (được định nghĩa khoản 1 điều 3 Bộ luật lao động năm 2019), người học nghề, tập nghề, người sử dụng lao động, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Tuy nhiên, có đối tượng được bổ sung là người làm việc không có quan hệ lao động (không phải là “người lao động khác” theo quy định tại điều 2 Bộ luật lao động năm 2012).
Theo khoản 6 điều 3 Bộ luật lao động năm 2019:
“Người làm việc không có quan hệ lao động là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động.”
Theo quy định trước đây tại Bộ luật lao động năm 2012, người làm việc không có hợp đồng lao động nghiễm nhiên không phải người lao động, tức cũng không phải “người lao động khác” trong đối tượng điều chỉnh của Bộ luật lao động năm 2012. Các văn bản giải thích Bộ luật lao động năm 2012 cũng không giải thích “người lao động khác” là gì. Vì vậy, người làm việc không có quan hệ lao động không là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật lao động năm 2012. Nhưng đến Bộ luật lao động năm 2019, “người làm việc không có quan hệ lao động”, tức người làm việc không có hợp đồng lao động, trở thành một trong những đối tượng điều chỉnh của Bộ luật lao động, nghĩa là, Bộ luật lao động năm 2019 đã có một số quy định mới để điều chỉnh quan hệ liên quan đến nhóm người trên thực tế có làm việc, có được trả công nhưng không phải là chủ thể của hợp đồng lao động này. Đây là một điểm mới và cũng là ưu điểm của Bộ luật lao động năm 2019.
Như vậy, Bộ luật lao động năm 2019 có những thay đổi nhỏ so với Bộ luật lao động năm 2012 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Các thay đổi này tương đối phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, cũng như làm mạch lạc nội dung các điều luật sau này của Bộ luật.
Đối tượng điều chỉnh của pháp luật là quan hệ xã hội mà quy phạm pháp luật, sự điều chỉnh của pháp luật tác động tới. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật là toàn bộ các quan hệ xã hội, được pháp luật điều chỉnh.